Theo hiện trạng rừng năm 2020, cả nước có hơn 1.166.470 ha rừng do cộng đồng dân cư quản lý. Ngoài các diện tích chính thức được giao, nhận khoán bảo vệ thì cộng đồng còn tham gia quản lý tài nguyên rừng một cách tự nguyện với những khu vực gắn với văn hóa, niềm tin, tín ngưỡng và bảo vệ nguồn nước của cộng đồng.
Từ những năm 2000 của thế kỷ 20, khuôn khổ luật pháp về rừng cộng đồng và quản lý rừng cộng đồng dần được hình thành, ngày càng hoàn thiện đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng cho phát triển rừng cộng đồng. “Cộng đồng dân cư” đã dần được thừa nhận là một trong những người sử dụng đất, sở hữu rừng qua các quy định trong Luật đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 cho đến nay là Luật Lâm nghiệp 2017, và nhiều thông tư, nghị định, quy định về giao đất, giao rừng cho cộng đồng.
Điểm nổi bật của Luật Lâm nghiệp 2017 là Nhà nước công nhận quyền sở hữu của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đối với rừng sản xuất là rừng trồng do họ tự đầu tư hoặc nhận chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật (khoản 2, Điều 7). Theo luật Lâm nghiệp, ”Cộng đồng dân cư bao gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, điểm dân cư tương tự và có cùng phong tục, tập quán”.
Có thể hiểu, cộng đồng dân cư là “tập hợp những người sống gắn bó với nhau thành một xã hội nhỏ có những điểm tương đồng về mặt văn hoá, kinh tế, xã hội truyền thống, phong tục tập quán, có các quan hệ trong sản xuất và đời sống gắn bó với nhau và thường có ranh giới không gian trong một thôn bản”.
Quản lý rừng cộng đồng là hoạt động quản lý rừng, được thực hiện bởi các “cộng đồng dân cư”.
Quản lý rừng cộng đồng (QLRCĐ), thực hiện bởi các nhóm hộ, cộng đồng, tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm sở thích… Họ được giao/khoán quản lý bảo vệ rừng và được hưởng lợi từ thành quả bảo vệ và sự đầu tư của mình.
Pháp luật Việt Nam:
- Công nhận quyền được giao đất, giao rừng, nhận hợp đồng khoán rừng lâu dài của cộng đồng dân cư khi cộng đồng dân cư đáp ứng các quy định của pháp luật và chính sách hiện hành.
- Công nhận cộng đồng dân cư là chủ rừng, người sử dụng rừng có tư cách pháp nhân đầy đủ hoặc không đầy đủ tuỳ theo từng điều kiện của mỗi cộng đồng và đối tượng rừng được giao hay nhận khoán rừng.
- Quy định cộng đồng được hưởng các quyền và thực hiện nghĩa vụ khi tham gia quản lý rừng theo quy định của pháp luật.
- Quy định cộng đồng dân cư được giao hay nhận khoán rừng có nghĩa vụ xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng, thành lập tổ bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với quy định của pháp luật, và đệ trình Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện.