I. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ DỰ ÁN
1. Tên dự án:
Tên tiếng Việt: Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn Đa dạng sinh học ở Việt Nam
Tên tiếng Anh: Sustainable Forest Management and Biodiversity Conservation in Vietnam
Tên viết tắt: Dự án VFBC
2. Tên nhà tài trợ: Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID)
3. Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
– Địa chỉ liên lạc: Số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội
– Điện thoại: 084 2438434682/ Fax: 084 2438569833
4. Chủ dự án: Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp
5.Thời gian thực hiện dự án: 6 năm từ năm 2021 đến 31/12/2026 (đã bao gồm cả thời gian quyết toán dự án hoàn thành theo quy định).
6. Địa điểm thực hiện dự án: Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (VQG Vũ Quang), Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Lâm Đồng (tập trung vào VQG Bidoup Núi Bà) và 3 Vườn Quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Cúc Phương, Bạch Mã,Cát Tiên).
7. Mục tiêu dự án
7.1. Mục tiêu tổng quát:
Giảm phát thải khí nhà kính và tăng khả năng hấp thụ các-bon trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng trồng của Việt Nam; Bảo tồn đa dạng sinh học ở những khu vực rừng có giá trị cao về đa dạng sinh học của quốc gia.
7.2. Mục tiêu cụ thể:
– Giảm phát thải khí KNK do chuyển đổi và suy thoái rừng tự nhiên.
– Tăng hấp thụ các-bon thông qua QLRBV và quản lý tốt hơn rừng trồng sản xuất.
– Cải thiện chất lượng, đa dạng sinh học và năng suất rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
– Duy trì và tăng cường chất lượng rừng ở những tỉnh có giá trị bảo tồn cao.
– Bảo vệ và cân bằng các quần thể động vật hoang dã ở các VQG, các KBT loài và sinh cảnh tại các tỉnh có giá trị bảo tồn cao.
8. Tổng vốn dự án: Tổng vốn của toàn dự án là 646.082 triệu đồng (tương đương 27,87 triệu USD), trong đó:
a. Vốn viện trợ từ USAID: 25 triệu USD, tương đương 579.550 triệu đồng (mỗi hợp phần 12,5 triệu USD) do Nhà tài trợ trực tiếp quản lý.
b. Vốn đối ứng bằng tiền mặt: 66.542 triệu đồng (tương đương 2,87 triệu USD), trong đó:
– Đối ứng của Trung ương: 15.420 triệu đồng (do Bộ Nông nghiệp và PTNT bố trí)
– Đối ứng của các tỉnh: 51.122 triệu đồng (do UBND các tỉnh bố trí).
9 . Các nội dung, kết quả chính của dự án
a. Hợp phần 1: Quản lý rừng bền vững
Kết quả dự kiến:
– Cải thiện Quản lý rừng cộng đồng dân cư/Quản lý rừng có sự tham gia của người dân.
+ Tăng cường năng lực cho các bên liên quan của Việt Nam để xây dựng và thực thi các mô hình và phương pháp tiếp cận quản lý rừng có sự tham gia của người dân.
+ Hỗ trợ xây dựng năng lực cho các cộng đồng địa phương để tham gia hiệu quả vào quản lý rừng.
– Thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.
+ Đánh giá, phân tích các chuỗi giá trị tiềm năng.
+ Phát triển các chuỗi giá trị và tăng cường các doanh nghiệp thân thiện với bảo tồn tại các khu vực quản lý rừng bền vững (SFM)
– Tăng cường thực thi pháp luật đối với các vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.
+ Hỗ trợ tăng cường thực thi pháp luật đảm bảo tính nghiêm minh trong bảo vệ rừng bền vững, thông qua phân tích và lập kế hoạch hành động.
+ Hỗ trợ cải thiện các chính sách và thực hành trong công tác thực thi quản lý rừng bền vững.
+ Hỗ trợ xây dựng năng lực của cơ quan thực thi pháp luật để xử lý các tội phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.
– Cải tiến giải pháp kỹ thuật quản lý rừng sản xuất.
+ Tăng cường sản xuất gỗ bền vững của những chủ rừng quy mô nhỏ.
+ Thúc đẩy gia tăng nhu cầu của các nhà máy chế biến đối với gỗ được cấp chứng chỉ.
+ Kết nối thị trường giữa chủ rừng và các doanh nghiệp chế biến gỗ.
– Huy động các nguồn lực cho Quản lý và bảo vệ rừng.
+ Hỗ trợ thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính.
+ Hỗ trợ nâng cao năng lực, nhận thức về thực thi C-PFES và PEES.
b. Hợp phần 2: Bảo tồn đa dạng sinh học
Kết quả dự kiến:
– Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thân thiện với bảo tồn cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.
+ Hỗ trợ tăng thu nhập thông qua phát triển sản xuất, kinh doanh lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao, thân thiện với môi trường và liên kết doanh nghiệp với người sản xuất nhằm tăng giá trị chuỗi sản phẩm nông/lâm nghiệp.
+ Hỗ trợ tăng nguồn thu, hướng tới tài chính bền vững và tạo cơ hội việc làm từ du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.
+ Tạo cơ hội chuyển nghề cho thợ săn, người khai thác gỗ bất hợp pháp và gia đình họ.
– Tăng cường quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.
+ Hỗ trợ nhằm tăng cường khung thể chế cho quản lý RĐD và RPH.
+ Hỗ trợ thực hiện cơ chế quản lý rừng có sự tham gia của người dân để tăng cường sự tham gia của cộng đồng.
+ Hỗ trợ nhằm thể chế hóa công tác tuần tra rừng và quản lý rừng.
+ Hỗ trợ nhằm hệ thống hóa và chuẩn hóa hoạt động tuần tra và giám sát ĐDSH, diễn biến tài nguyên rừng.
+ Phối hợp với các tổ chức xã hội, các đơn vị nghiên cứu và các bên liên quan khác để hỗ trợ các hoạt động bảo tồn loài trong cơ sở bảo tồn (in situ) và bảo tồn loài ngoài tự nhiên (ex situ).
– Tăng cường hiệu quả hệ thống thực thi pháp luật đối với tội phạm hủy hoại rừng và động vật hoang dã.
+ Hỗ trợ xây dựng năng lực và tăng cường hệ thống thực thi pháp luật.
+ Hỗ trợ công tác tuần tra dựa vào cộng đồng.
+ Hỗ trợ đánh giá thực trạng để giải quyết tận gốc các động cơ của nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép ở cấp độ vùng, liên vùng.
+ Hỗ trợ cho Viện kiểm sát và Tòa án về kiến thức tội phạm cũng như xử lý tội phạm về động vật hoang dã.
+ Khuyến khích báo cáo và phản hồi thông tin về các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã/rừng.
– Giảm nhu cầu tiêu thụ thông qua các phương pháp thay đổi hành vi.
+ Hỗ trợ tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm giảm nhu cầu về sản phẩm động vật hoang dã.
+ Khuyến khích sáng kiến cộng đồng chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên
10. Cơ chế tài chính:
Theo quy định của USAID, ngân sách tài trợ sẽ được dùng để chi trả cho các hoạt động của Dự án. Các nhà thầu giải ngân trực tiếp và chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA theo các nguyên tắc, quy định và thủ tục viện trợ của USAID theo pháp luật Hoa Kỳ. Chịu trách nhiệm quản lý và lưu giữ chứng từ của tất cả các khoản chi phí trực tiếp trong dự án.
Việc quản lý tài chính phần vốn viện trợ không hoàn lại được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 của Bộ Tài chính về chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nướcvà các văn bản sửa đổi bổ sung theo quy định.
II. CÁC VĂN BẢN PHÁP LÝ ĐÃ BAN HÀNH
– Quyết định số 1689/QĐ-BNN-HTQT ngày 22/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam (VFBC)”.