Ngày 09 tháng 03 năm 2023, tại thành phố Huế, WWF Việt Nam đã cùng với Chi cục Kiểm Lâm Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Tăng cường vai trò của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn ở Khu vực Trung Trường Sơn” do WWF thực hiện cùng các đối tác từ 2018 -2022. Trong năm năm vừa qua, tại Trung Trường Sơn, 545 héc-ta rừng nghèo đã được phục hồi thành rừng trung bình; 223 hộ gia đình được hỗ trợ phát triển sinh kế; gần 8.000 héc ta rừng tự nhiên được quản lý hiệu quả bởi cộng đồng và quần thể Voọc Chà vá chân xám ở Tam Mỹ Tây được bảo tồn và phát triển tốt.
Cộng đồng địa phương và bản địa là những người đóng vai trò quan trọng trong chiến lược bảo tồn của WWF. Với kiến thức bản địa sâu rộng, mối liên hệ chặt chẽ và lâu đời với thiên nhiên, cộng đồng địa phương sẽ là những người thực hiện công việc bảo tồn tốt nhất. Khi thấy được vai trò, lợi ích cũng như trách nhiệm của mình, họ sẽ tích cực tham gia và có những đóng góp to lớn để bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương.
Để hỗ trợ các cộng đồng địa phương vừa phát triển bền vững, đồng thời vừa giữ gìn được hệ sinh thái có giá trị bảo tồn cao của các khu rừng Trung Trường Sơn, dự án đã huy động sự tham gia của nhiều bên để đưa ra các giải pháp tối ưu nhất. Các giải pháp này được nghiên cứu để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và giá trị truyền thống của cộng đồng trước khi đưa vào áp dụng. Với tâm huyết và nỗ lực của dự án và các đối tác, trong năm năm qua, cộng đồng tại các huyện A Lưới, Nam Đông (Thừa Thiên Huế), huyện Đông Giang và Núi Thành (Quảng Nam) đã được hỗ trợ nguồn lực và năng lực kỹ thuật nhằm tạo ra những tác động tích cực lên tài nguyên rừng và đa dạng sinh học trong khu vực.
Tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội và cộng đồng
Dự án đã nâng cao năng lực cho 30 cộng đồng nhằm bảo vệ các cánh rừng tự nhiên được giao hoặc khoán cho cộng đồng quản lý. Nhiều lớp tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm đã được tổ chức với sự tham gia của hơn 11.120 lượt người tại huyện Nam Đông, A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), huyện Đông Giang và Núi Thành (tỉnh Quảng Nam). Hoạt động được thực hiện với sự phối hợp của Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), Hội chủ rừng phát triển bền vững Thừa Thiên Huế (TTH-FOSDA), Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt xanh (GreenViet).
Được trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết, các cộng đồng đã thiết lập và vận hành hiệu quả mô hình quản lý rừng cộng đồng, áp dụng công nghệ trong quản lý như phần mềm WebGIS, từ đó việc quản lý rừng được thực hiện hiệu quả hơn. Tính riêng địa bàn 3 xã dự án tại Thừa Thiên Huế, số lượng vi phạm khai thác gỗ tại mỗi xã từ 1-3 vụ cao nhất là 7 vụ các năm 2017-2018 xuống còn 1-2 vụ năm 2021-2022.
Các Ban quản lý rừng cộng đồng cũng được trang bị các kỹ năng truyền thông nhằm thay đổi nhận thức cộng đồng, từ đó có thể huy động người dân trong khu vực cùng bảo vệ rừng (BVR). TTH-FOSDA, một đối tác của dự án, đã hướng dẫn các nhóm BVR sử dụng phương pháp “Cộng đồng nói với cộng đồng” trong truyền thông. Phương pháp này lựa chọn các thành viên uy tín trong cộng đồng để trao đổi với bà con về bảo vệ rừng và các loài hoang dã tại các buổi họp thôn, hoặc thực hiện các hoạt động truyền thông lưu động để tiếp cận được nhiều người hơn. Tổng cộng đã có 11 buổi truyền thông lưu động và cuộc họp được tổ chức, 450 người được tiếp cận các thông tin do các nhóm thực hiện.
Nâng cao sinh kế, giảm phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên
Nâng cao sinh kế cho cộng đồng địa phương là một cách để giảm sự phụ thuộc của người dân vào tài nguyên, từ đó giảm áp lực lên tài nguyên rừng và quản lý rừng bền vững hơn. Vì vậy, dự án đã hỗ trợ 223 hộ gia đình thuộc 17 cộng đồng/nhóm hộ phát triển 03 mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện của địa phương, bao gồm: trồng mây và gừng gió dưới tán rừng và trồng cây nghệ đen trên đất nương rẫy. Trong hoạt động này, phụ nữ đóng vai trò chủ chốt. Họ chính là những người đã nêu các đề xuất về sinh kế, sau đó được tập huấn và hỗ trợ triển khai các mô hình này.
Để xây dựng được mô hình sinh kế phù hợp và bền vững, dự án đã phải nghiên cứu điều kiện tự nhiên và thị trường cũng như các yếu tố kinh tế – xã hội của các địa phương. Một số loài cây lâm sản ngoài gỗ sau đó đã được lựa chọn để phát triển. Các lớp tập huấn về kỹ năng trồng và chăm sóc các loài này sau đó được tổ chức xuyên suốt dự án cho các hộ thành viên đăng ký tham gia. Bằng việc trực tiếp tham gia gieo trồng, chăm sóc các loài lâm sản ngoài gỗ, làm vườn ươm, 17 cộng đồng và nhóm hộ không chỉ tăng thêm thu nhập mà còn giúp làm giàu 94 héc ta rừng tự nhiên.
Hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan
Một trong những dấu ấn nổi bật khác của dự án đó là hỗ trợ TTH-FOSDA tham gia cùng Sở NN&PTTN tham mưu cho UBND Thừa Thiên Huế ban hành Quy chế Quản lý Rừng Cộng đồng. Quy chế, được ban hành ngày 07/10/2019, đã đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng cũng như các bên liên quan tham gia hỗ trợ cho hoạt động Quản lý rừng cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Quy chế được kỳ vọng sẽ giúp phát huy vai trò và sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan, đồng thời đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ và bền vững các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, hạn chế và từng bước ngăn chặn triệt để tình trạng xâm hại, chặt phá, lấn chiếm đất rừng trái phép.
Bảo tồn dựa vào niềm tự hào của cộng đồng
Đàn Voọc Chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây đã từng một thời lo bị “xoá sổ” do mất sinh cảnh, săn bắt và chịu ảnh hưởng từ các hoạt động khai thác keo không bền vững xung quanh. Năm 2019, đàn voọc này chỉ còn 50 cá thể, phân bố tại bốn đỉnh núi tách biệt nhau. Với Đề án bảo tồn Voọc, Trung tâm GreenViet đã kết nối nguồn lực và phát huy tối đa sự tham gia của các bên liên quan vào công tác vận động chính sách, từng bước bảo vệ và mở rộng diện tích rừng nơi có đàn Voọc sinh sống. Tỉnh Quảng Nam đã đồng ý với Chủ trương bảo tồn loài Voọc chà vá chân xám đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt, GreenViet đã từng bước hỗ trợ nhóm Tình nguyện bảo tồn Voọc để họ có thêm nhiều kỹ năng bảo tồn như tuần tra, sử dụng công nghệ thông tin trong tuần tra, điều tra và giám sát quần thể loài, truyền thông. Nhóm, được thành lập bởi những người yêu Voọc tại Tam Mỹ Tây, chính là lực lượng nòng cốt để đề án bảo tồn Voọc tạo ra được những thay đổi như ngày hôm nay. Tới năm 2022, quần thể Voọc chà vá chân xám đã tăng lên 69 cá thể với nhiều con non mới sinh.
Những thành công về kinh tế – xã hội và môi trường đó được tạo nên bởi nỗ lực bảo tồn của cộng đồng, sự cam kết và hợp tác hiệu quả giữa các cộng đồng và các tổ chức xã hội cũng như sự quan tâm ủng hộ của của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Để giá trị của những kết quả này được phát huy tối đa, trong tương lai dự án và các bên liên quan sẽ tiếp tục củng cố năng lực cho các Ban quản lý rừng cộng đồng để họ có thể chủ động vận hành công tác quản lý rừng và phát triển đa dạng các mô hình sinh kế bền vững.
Bài trình bày tổng kết dự án xem tại đây.
Về WWF
WWF là một trong những tổ chức phi chính phủ về bảo tồn hàng đầu thế giới, với 5 triệu người ủng hộ và một mạng lưới toàn cầu đang hoạt động trên hơn 100 quốc gia. Nhiệm vụ của WWF là ngăn chặn sự xuống cấp của môi trường thiên nhiên của trái đất và xây dựng một tương lai trong đó con người sống hoà hợp với thiên nhiên, bằng cách bảo tồn đa dạng sinh học của thế giới, đảm bảo rằng việc sử dụng bền vững những nguồn tài nguyên có thể tái sử dụng và thúc đẩy việc giảm ô nhiễm và tiêu thụ lãng phí. vietnam.panda.org