HIỂU VỀ QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG VÀ LÂM NGHIỆP CỘNG ĐỒNG

Khái niệm về Cộng đồng dân cư và QLRCĐ

Theo công bố hiện trạng rừng năm 2021 tại quyết định số 2860/QĐ-BNN-TCLN của Bộ NN&PTNT, cả nước có 989.827 ha rừng do cộng đồng dân cư quản lý. Ngoài các diện tích chính thức được giao (có quyết định giao rừng), khoán bảo vệ, cộng đồng còn tham gia quản lý tài nguyên rừng dưới các hình thức tự nguyện khác ở những khu vực gắn với văn hóa, niềm tin, tín ngưỡng và bảo vệ nguồn nước của mình.

Từ những năm 2000, khuôn khổ luật pháp về rừng cộng đồng và quản lý rừng cộng đồng được hình thành và ngày càng hoàn thiện đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng cho phát triển rừng cộng đồng. “Cộng đồng dân cư” đã dần được thừa nhận là một trong những đối tượng sử dụng đất, sở hữu rừng qua các quy định trong Luật đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 cho đến nay là Luật Lâm nghiệp (LN) 2017, và nhiều thông tư, nghị định, quy định về giao đất, giao rừng cho cộng đồng.

Luật Lâm nghiệp 2017 đã công nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng  do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tự đầu tư. Rừng sản xuất là rừng trồng do người dân tự đầu tư hoặc nhận chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của Luật LN (khoản 2, Điều 7).

Theo luật LN, “Cộng đồng dân cư bao gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, điểm dân cư tương tự và có cùng phong tục, tập quán”.

Có thể hiểu, cộng đồng dân cư là “tập hợp những người sống gắn bó với nhau thành một xã hội nhỏ có những điểm tương đồng về mặt văn hoá, kinh tế, xã hội truyền thống, phong tục tập quán, có các quan hệ trong sản xuất và đời sống gắn bó với nhau và thường có ranh giới không gian trong một thôn bản”.

Quản lý rừng cộng đồng

Quản lý rừng cộng đồng là phương thức tổ chức quản lý rừng trong đó các biện pháp quản lý, được thực hiện bởi các “cộng đồng dân cư”.

Quản lý rừng cộng đồng (QLRCĐ), thực hiện bởi các nhóm hộ, cộng đồng, tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm sở thích… Việc tham gia vào quản lý rừng có thêm nguồn thu nhập nên người dân có ý thức bảo vệ môi trường hơn, họ thường xuyên thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi xâm hại đến tài nguyên rừng trên diện tích được giao. Ngoài ra, nhiều cộng đồng tổ chức những hoạt động tích cực như tự khoanh nuôi phục hồi rừng, trồng bổ sung cây lâm nghiệp… trên diện tích được giao, góp phần giúp người dân sống gần rừng cải thiện sinh kế, đồng thời đẩy mạnh việc xã hội hoá nghề rừng, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Pháp luật Việt Nam:

  • Công nhận quyền được giao đất, giao rừng, nhận hợp đồng khoán rừng lâu dàicủa cộng đồng dân cư khi cộng đồng dân cư đáp ứng các quy định của pháp luật và chính sách hiện hành.
  • Công nhận cộng đồng dân cư là chủ rừng, người sử dụng rừng có tư cách pháp nhân đầy đủ hoặc không đầy đủtuỳ theo từng điều kiện của mỗi cộng đồng và đối tượng rừng được giao hay nhận khoán rừng.
  • Quy định cộng đồng được hưởng các quyền và thực hiện nghĩa vụkhi tham gia quản lý rừng theo quy định của pháp luật.
  • Quy định cộng đồng dân cư được giao hay nhận khoán rừng có nghĩa vụ xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng, thành lập tổ bảo vệ và phát triển rừngphù hợp với quy định của pháp luật, và đệ trình Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Rừng cộng đồng: Đây là rừng và đất lâm nghiệp sử dụng vào mục đích lâm nghiệp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho cộng đồng quản lý, sử dụng ổn định lâu dài, có quyết định hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và rừng.

Lợi ích từ quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng ở việt nam

Quản lý rừng bền vững là phương thức quản trị rừng bảo đảm đạt được các mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, không làm suy giảm mà còn nâng cao giá trị của rừng, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng-an ninh…

Chứng chỉ quản lý rừng bền vững là văn bản công nhận một diện tích rừng nhất định đáp ứng các tiêu chí về quản lý bền vững. Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng là gói giải pháp kinh tế-kỹ thuật-tổ chức để phát triển kinh tế lâm nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ý nghĩa môi trường xã hội của quản lý rừng bền vững trong thế giới hiện đại đã trở thành yêu cầu bắt buộc của phát triển bền vững. Vì vậy, Việt Nam đã và đang thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp và các chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.

Có 5 lợi ích phổ biến của quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.

  • Thứ nhất: QLRBV đáp ứng nhu cầu khách hàng;
  • Thứ hai: Tạo cơ hội để gỗ Việt Nam tiếp cận tốt thị trường;
  • Thứ ba: Mang lại lợi thế so sánh cạnh tranh cho gỗ Việt Nam;
  • Thứ 4: Là biện pháp thực thi cam kết có trách nhiệm đối với tài nguyên rừng;
  • Thứ 5: Biện pháp thực hiện chính sách phát triển bền vững.

Quản lý rừng bền vững hiện nay có nhiều cơ hội:

  • Chính phủ và các cơ quan trực thuộc Chính phủ rất ủng hộ phong trào QLRBV và chứng chỉ rừng;
  • Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế sẵn sàng hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật thông qua các dự án ODA nhằm thúc đẩy tiến trình QLRBV và chứng chỉ rừng của Việt Nam;
  • Giúp Việt Nam đáp ứng những yêu cầu về hội nhập quốc tế. Tính đến năm 2020 Việt Nam đã chính thức tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do EVFTA với EU nơi mà thị trường yêu cầu khắt khe về nguồn gốc gỗ và đồ gỗ hợp pháp, bên cạnh đó mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu đạt tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm lâm nghiệp là 20 tỷ USD. Vì vậy, nhu cầu về gỗ nguyên liệu có chứng chỉ hợp pháp cho công nghiệp chế biến trong nước ngày càng cao, đòi hỏi phải gia tăng diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Các nước phát triển nhập khẩu phần lớn giá trị đồ gỗ của Việt Nam cũng ngày càng đòi hỏi sản phẩm có chứng chỉ, có nguồn gốc gỗ hợp pháp. Từ năm 1998, Việt Nam đã tham gia vào quá trình quản lý rừng bền vững và diện tích rừng có chứng chỉ cũng ngày càng tăng để đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.

Năm 2021, trong 4.235.770 ha là rừng trồng của Việt Nam, có hơn 1,6 triệu ha tương đương 36% là do hộ gia đình và cộng đồng dân cư quản lý. Đây là diện tích rừng tiềm năng cao cho mục tiêu chứng chỉ QLRBV.

CÁC PHIM NGẮN

Khái niệm về Cộng đồng và quản lý rừng cộng đồng

Lợi ích từ quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng ở Việt Nam

Quản lý và bảo vệ rừng bền vững tại Đông Giang, Quảng Nam

Nỗ lực của người dân Thượng Nhật trong công tác BV&PT rừng

Vooc chà vá, Tam Mỹ, Tây Núi Thành, Quảng Nam

Tương lai xanh Quản lý rừng bền vững Giải pháp ứng phó BDKH

Dự án Ltc/Sida – Thành tựu 4 năm

Nhà tài trợ

Đơn vị thực hiện

Đối tác